Video

Video

Vụ lái xe Mercedes tông tiếp viên hàng không: Không có tài sản làm sao bồi thường?
Theo hồ sơ, tài xế Mercedes đứng tên nguyên căn hộ chứ không phải nửa căn như người này khai tại tòa; khi bị tạm giam, người này đã chuyển nhượng căn hộ ấy cho mẹ ruột với giá hơn 1 tỉ đồng.
Chiều 16-12, TAND quận Phú Nhuận, TP.HCM đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Trần Hoàng Phong bảy năm sáu tháng tù về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Đây là vụ án khiến dư luận quan tâm bởi tính chất nghiêm trọng.
Về bồi thường dân sự, HĐXX cũng tuyên bị cáo phải bồi thường thiệt hại cho gia đình bị hại Lê Mạnh Thường hơn 477 triệu đồng và bị hại Nguyễn Thị Bích Hường hơn 1,4 tỷ đồng. Đây cũng là mức bồi thường theo như gia đình bị hại đề nghị.
 
Tuy nhiên, trao đổi cùng phóng viên Dân trí ngay sau khi phiên tòa kết thúc, bị hại Nguyễn Thị Bích Hường khẳng định quan điểm của mình là sẽ kháng cáo bản án sơ thẩm này. Bị hại Bích Hường chia sẻ: "Tôi không đồng ý kết quả bản án này vì tôi thấy rằng mức án tòa tuyên cho bị cáo là quá nhẹ so với những hậu quả mà chúng tôi phải gánh lấy".
Tuy nhiên, luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn Luật sư TPHCM) cho báo Dân Trí hay, việc thi hành án phần dân sự này sẽ rất khó khăn, bởi như bị cáo đã khai tại tòa, tài sản duy nhất của bị cáo là căn hộ chung cư mà bị cáo mua cùng mẹ đã được bị cáo chuyển quyền sở hữu sang cho mẹ mình.
 
Luật sư Chánh cho rằng: "Bị cáo không còn tài sản thì làm sao bồi thường? Bị cáo đã trên 18 tuổi, mẹ bị cáo không có trách nhiệm phải bồi thường thay. Mà không bồi thường cho bị hại thì cũng chỉ ảnh hưởng đến việc bị cáo sẽ không được giảm án để ra tù trước hạn, không được xóa án tích khi chưa thi hành xong các hình phạt phụ… chứ pháp luật không thể cưỡng chế bị cáo bồi thường khi không có tài sản".
Phong khai thời điểm ký giấy chuyển nhượng, bị cáo đang bị tạm giam, có một người ở phòng công chứng và cán bộ công an đến, mang giấy tờ yêu cầu Phong ký. Bị cáo ký nhưng không biết giấy tờ đó có nội dung gì.
Trả lời tòa, bà Trần Hoàng Họa Mi (mẹ ruột bị cáo Phong) trình bày khi nghe đến khoản tiền bồi thường quá lớn, bà nghĩ sẽ mang căn nhà đi thế chấp ngân hàng lấy tiền bồi thường. Tuy nhiên, vì căn nhà chưa có sổ đỏ, không ngân hàng nào chấp nhận nên bà sang tên nhà cho người khác
Đối với việc Phong công chứng ký bán nhà cho mẹ trong thời gian tạm giam, các luật sư của bị hại đề nghị xem xét xử lý hành vi tẩu tán tài sản. HĐXX xét thấy người liên quan có thể kiện và đề nghị kê biên tài sản bằng một vụ án dân sự.
Chia sẻ trên Báo Giao Thông, chị Hường buồn bã: "Em cảm thấy rất hụt hẫng. Bản án mà tòa tuyên bị cáo Phong là quá nhẹ, chưa đủ tính răn đe. So với những gì bị cáo Phong gây ra thì không có gì phải giảm nhẹ nhưng tòa lại áp dụng tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo.
Hơn nữa, những nội dung liên quan như Phong sử dụng bằng lái giả, có dấu hiệu tẩu tán tài sản nhưng không được toà xem xét. Luật sư của em đã yêu cầu toà trả hồ sơ để điều tra nhưng không được chấp nhận. Em sẽ nhờ luật sư bảo vệ lợi ích cho mình để kháng cáo bản án.
Chị Lê Thường Vân, đại diện hợp pháp của người cha đã mất là ông Lê Mạnh Thường (tài xế xe ôm công nghệ), cũng cho rằng tòa tuyên mức án đối với bị cáo là quá nhẹ.
 
Chị Vân nói: “Sau khi vụ án xảy ra, gia đình bị cáo không một lời thăm hỏi. Đến thời điểm hiện tại, gia đình bị cáo vẫn chưa một lần đến thắp cho cha tôi một nén nhang. Tôi sẽ làm việc lại với luật sư và có thể tôi sẽ kháng cáo bản án sơ thẩm”.
Theo chị Vân, việc bị cáo nhanh chóng sang tên tài sản khi án đang điều tra là bất thường nên chị có muốn nghĩ ngay thẳng cũng khó! “Chúng tôi sẽ kháng cáo yêu cầu Phong bồi thường một lần, hoặc buộc công ty cho thuê xe và chủ xe chịu chung trách nhiệm” - chị Vân nói.
Sưu tầm.

Đối tác