Video

Video

TP.HCM SIẾT KIỂM TRA XỬ PHẠT NGƯỜI DÂN LƠ LÀ ĐEO KHẨU TRANG, GIỮ CỰ LY
TP.HCM sẽ siết việc kiểm tra, xử phạt vì người dân có dấu hiệu lơ là đeo khẩu trang, giữ cự ly. Giai đoạn đến ngày 15-4 là cơ hội vàng để TP khống chế hoàn toàn dịch bệnh nên cần hết sức tập trung, không chủ quan, lơ là.
Chiều 9-4, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 TP họp giao ban trực tuyến về tình hình dịch bệnh.
 
Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, giám đốc Sở Y tế, cho hay TP vẫn đang kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh. Theo đó, TP có 54 ca nhiễm, đã điều trị khỏi 37 ca, còn 17 đang điều trị. Đặc biệt từ ngày 1-4, có 6 ngày liên tục TP không có ca nhiễm mới. 
Đối với các khu vực cách ly tập trung, TP không để phát sinh ca nhiễm nào trong khu cách ly. Dự kiến đến ngày 14-4 có thể hoàn tất đưa những người hoàn thành cách ly còn lại ra khỏi các trung tâm (khoảng 600 người - PV). Liên quan quán bar Buddha, TP cũng kiểm soát tốt ổ dịch tại đây.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Tấn Bỉnh cũng đề nghị Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 quận huyện tăng cường kiểm tra, xử phạt theo quy định để bảo đảm việc người dân chấp hành chỉ thị 16 về biện pháp bảo đảm an toàn. 
Đặc biệt hiện nay có hiện tượng người dân chủ quan, lơ là khi thấy số ca nhiễm bệnh có dấu hiệu giảm, nhất là ở các khu chợ, nơi công cộng, cơ sở… "Vấn đề này, các cuộc họp giao ban với Chính phủ cũng đã được nhắc nhở. Đó là chúng ta vẫn còn lơ là việc không đeo khẩu trang, giữ cự ly tiếp xúc…" - ông Bỉnh nhấn mạnh. 
Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm cũng khẳng định TP dù vẫn kiểm soát được dịch bệnh nhưng không được chủ quan lơ là. Theo nhận định, giai đoạn đến 15-4 là cơ hội vàng để TP khống chế hoàn toàn dịch bệnh nên cần phải hết sức tập trung.
Bên cạnh đó, ông Liêm yêu cầu các cơ quan đơn vị tích cực thay đổi phương thức làm việc, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển các ngành công nghiệp dịch vụ gắn với thương mại điện tử và kinh tế số. Bên cạnh đó, triển khai phương án tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng cường an sinh xã hội; rà soát, lập danh sách người dân mất việc làm do dịch để hỗ trợ, không để người dân rơi vào cảnh khó khăn.
Phát biểu kết luận cuộc họp Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết hiện gần 4 tỉ người ở 90 quốc gia, gần 50% dân số thế giới đang được yêu cầu ở nhà để phòng chống COVID-19. Nhiều nước thực hiện các biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt, cả xử lý hình sự đối với người ra đường không đúng quy định. Có thể thấy Việt Nam không phải nước duy nhất thực hiện cách ly toàn xã hội nhưng là nước thực hiện sớm.
Chúng ta đã làm tốt, đạt kết quả đáng mừng, tuy nhiên, theo Thủ tướng, nguy cơ lây nhiễm còn lớn, không thể chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Thủ tướng yêu cầu mọi người dân phải thực hiện nghiêm giãn cách xã hội, đeo khẩu trang ở nơi công cộng, thực hiện nghiêm chỉ thị 16, ai không thực hiện thì xử phạt nghiêm, phê phán cá nhân, tập thể vi phạm. Không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác với dịch COVID-19 như tình trạng một số nước vấp phải, "kết quả từ các bản tin hằng ngày là mừng nhưng nỗi lo vẫn còn đó".
Thủ tướng nêu rõ chúng ta kiên định nguyên tắc từ đầu là ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch và điều trị hiệu quả, trong từng thời điểm, có thể thay đổi chiến thuật, ứng phó theo giai đoạn nhưng kiên định về chiến lược trên tinh thần "dĩ bất biến, ứng vạn biến".
Điều quan trọng của chiến lược phòng chống là áp dụng đúng thời điểm, tăng dần mức độ, vì vậy đạt được thành công ban đầu là quan trọng.
Về ngăn chặn nguồn lây từ bên ngoài, Thủ tướng yêu cầu thực hiện đúng tinh thần chỉ thị 16, tiếp tục giữ chặt biên giới, hạn chế người từ nước ngoài vào Việt Nam trừ một số trường hợp đã được nêu trong các văn bản trước đó. Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ các chuyến bay, tạm dừng các chuyến bay quốc tế trừ chở hàng và công tác bảo hộ công dân được sự cho phép của Thủ tướng. Hạn chế tối đa các chuyến bay nội địa. Tiếp tục khuyến cáo công dân ở các nước không về nước trước ngày 15-4 trừ một số trường hợp đặc biệt. Với tất cả người nhập cảnh vào Việt Nam, đều thực hiện cách ly từng đối tượng cụ thể.
Bộ Y tế mở các kênh tư vấn bảo vệ sức khỏe cho người dân đang sinh sống, làm ăn ở nước ngoài qua hệ thống khám chữa bệnh trực tuyến.
Nhấn mạnh việc tiếp tục thực hiện chỉ thị 16, Thủ tướng nêu rõ các địa phương cần chấn chỉnh, thực hiện nghiêm biện pháp cách ly xã hội với biện pháp mạnh nhưng không "quá tả" trong thực hiện, không "quá hữu" dẫn đến buông xuôi, trong đó bảo đảm lưu thông hàng hóa, nhưng kiểm soát chặt chẽ con người. Các lực lượng chức năng và các tỉnh biên giới tiếp tục đẩy mạnh việc thông quan hàng hóa, tạo điều kiện cho hàng hóa qua biên giới thuận tiện.
Thủ tướng yêu cầu các lực lượng chức năng, đặc biệt là lực lượng công an xử lý nghiêm những người không thực hiện cách ly toàn xã hội, không đeo khẩu trang, không có việc cần thiết nhưng vẫn ra đường…
Thủ tướng giao Ban chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế có nhận định, đánh giá tình hình sát đúng để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định việc có hay không tiếp tục thực hiện chỉ thị 16 sau thời hạn 15-4 vào phiên họp sau.
Phát hiện sớm, khoanh vùng, dập dịch là yêu cầu cấp bách. Cần tăng cường năng lực xét nghiệm, bảo đảm các tỉnh, thành phố thực hiện việc xét nghiệm theo phương châm "4 tại chỗ". Cần thay đổi chiến lược xét nghiệm cho phù hợp. Không được chủ quan trong phán đoán, cần hành động ngay, dứt khoát để khoanh vùng, dập dịch.
Ngày 9.4, ông Lê Thanh Liêm, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết từ 28.3 đến nay, thành phố xử phạt 2.482 trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng với tổng số tiền 496 triệu đồng.
Sau 5 ngày triển khai 62 chốt, trạm kiểm soát dịch bệnh Covid-19 tại các khu vực cửa ngõ, TP.HCM đã kiểm tra gần 81.000 phương tiện với gần 110.000 người đi qua, trong đó có 60 người thân nhiệt cao và 1 người nghi nhiễm virus SARS-CoV-2.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định thành phố đang kiểm soát tốt dịch bệnh, trong số 54 ca nhiễm thì đã có 37 ca khỏi bệnh, từ 6 ngày qua không có ca nhiễm mới. TP.HCM chỉ còn 600 người đang trong thời gian cách ly trên tổng số 12.000 người. Đối với ổ dịch ở quán bar Buddha, quận 2, có 4.171 người có kết quả âm tính, còn 32 người đang chờ xét nghiệm
Sưu tầm 
 

Đối tác