Video

Video

Tách thành công 2 bé song sinh dính liền: Viết tiếp điều kỳ diệu
Ngày 7/6/2019, Trúc Nhi và Diệu Nhi cất tiếng khóc chào đời tại Bệnh viện Hùng Vương TP.HCM trong tình trạng dính liền vùng bụng chậu, chân tay đầy đủ, 2 cơ quan sinh dục, 1 hậu môn. Các bác sĩ nhận định đây là trường hợp song sinh dính nhau vùng bụng chậu theo kiểu ischiopagus tetrapus (quadripus), cực kỳ hiếm gặp. Trên thế giới, tỷ lệ song sinh dính nhau là 1/200.000, trong đó chỉ có 6% là dính nhau theo kiểu này.

 
Trước đó, khi mẹ của Trúc Nhi và Diệu Nhi mang thai được 16 tuần, các bác sĩ đã tiên liệu sự dính nhau phức tạp của hai bé nhưng bố mẹ đã quyết tâm giữ thai, nuôi dưỡng 2 con cho đến ngày chào đời ở tuần thứ 33.
Suốt hơn 1 năm qua, “Song Nhi” được theo dõi, điều trị và nuôi dưỡng với một chế độ đặc biệt, chuẩn bị kỹ lưỡng cho cuộc mổ tách rời. Trong hơn 1 năm chung sống trong cùng một cơ thể ấy, mọi sinh hoạt ngồi, đi đứng, ăn uống, tắm rửa, mặc quần áo, nằm ngủ của Trúc Nhi và Diệu Nhi đều khá bất tiện song hai con đã học được cách phối hợp, nhượng bộ đối phương đến mức gần như tuyệt đối. 
Hai chị em biết ngồi dậy, bò chồm khi được 6 tháng tuổi và học cách thay nhau bước lùi để tập di chuyển. Mỗi khi Trúc Nhi ngồi thì Diệu Nhi phải nằm, mỗi khi Trúc Nhi đứng thì Diệu Nhi phải ưỡn kềnh bụng lên. Sống chung trong một thân thể dính liền, đã có những lúc hai chị em di chuyển không ăn ý nên đã làm tổn thương nhau, cụng đầu và liên tục va chạm trong nôi. 
Phải nhớ rằng ca mổ tách song sinh dính liền đầu tiên năm 1988 được thực hiện trong điều kiện đất nước vẫn đang còn bị cấm vận, gian khó trăm bề. Theo lời kể của Giáo sư Trần Đông A thì đến chỉ khâu, kháng sinh, thuốc sát trùng da... đều thiếu. Thế mà chúng ta đã thực hiện thành công một ca khó, không chỉ với Việt Nam, mà với cả thế giới lúc ấy.
Nhưng nếu ca phẫu thuật đầu tiên ấy còn phải nhờ sự giúp đỡ vật chất của Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản, sự giúp đỡ chuyên môn của các bác sĩ Nhật Bản 
và một số nước khác, thì đến lần này, một ca phẫu thuật cực khó đã thành công hoàn toàn bằng thực lực của các bác sĩ Việt Nam.
5h30 Trúc Nhi và Diệu Nhi được đẩy vào phòng mổ. Cánh cửa phòng mổ đóng lại là lúc bố mẹ của “Song Nhi” đã bật khóc, những giọt nước mắt của sự lo lắng, của hy vọng. Họ đã bỏ hết công việc để theo sát hai con, chăm sóc chúng từ khi chào đời. Hôm nay, bố mẹ của Trúc Nhi và Diệu Nhi sẽ phải xa con 13 tiếng đồng hồ. Sau khoảng thời gian ấy, họ sẽ gặp lại hai con với một diện mạo hoàn toàn khác.  
Các bác sĩ được chia thành nhiều ê-kíp để thực hiện các công đoạn phẫu thuật khác nhau thông qua miếng sticker dán trên ngực áo trái - nơi trái tim. Sau khi hai bé được tách rời, những ai dán sticker màu đỏ sẽ tiếp tục đồng hành cùng Trúc Nhi và tương tự với những ai màu xanh sẽ “về đội” của Diệu Nhi.
6h30 - Trúc Nhi và Diệu Nhi được gây mê.
7h30 - Các bác sĩ hội ý lần cuối trước khi mổ.
8h30 - Ê-kíp xác định đường mổ trên cơ thể hai bé. Bác sĩ Trương Quang Định là người rạch đường đầu tiên. 
10h41 - Nhóm phẫu thuật niệu tiếp tục tách bàng quang, niệu quản, tử cung, âm đạo, buồng trứng cho hai bé. 
12h40 - Nhóm phẫu thuật viên chỉnh hình tách xương chậu của hai bé. Màng xương dính nhau rất cứng, các bác sĩ gặp khó khăn trong việc tách rời. Tuy nhiên, mọi thứ diễn biến tốt, các bé chảy máu ít, mỗi bé được truyền 1 đơn vị máu. 
14h07 - Hai bé được tách rời thành công và được đưa sang phòng mổ riêng để tiếp tục công đoạn chỉnh hình khung chậu, tạo hình thẩm mỹ các cơ quan. 
Từng giai đoạn của ca phẫu thuật được cập nhật liên tục, dư luận cả nước cũng theo dõi diễn biến ca mổ rất sát sao và vỡ òa cảm xúc mỗi khi có thông tin tích cực. 
18h40 - Trúc Nhi được đưa ra khỏi phòng phẫu thuật trước. 
19h30 - Các bác sĩ hoàn thành bó bột cho Diệu Nhi và đưa về Phòng Hồi Sức ngoại. Ca mổ bước đầu thành công tốt đẹp, đó là kết quả của sự đồng tâm hiệp lực, trí tuệ của gần 100 người và cả sự mạnh mẽ của 2 em bé Trúc Nhi và Diệu Nhi.
Tin vui lại nối tiếp tin vui, trưa ngày 16/7 thông tin từ BV Nhi đồng TP cho biết Trúc Nhi và Diệu Nhi đã tỉnh lại sau ca phẫu thuật kéo dài hơn 13 tiếng. Hai bé vẫn dùng an thần nhẹ. Dự kiến, việc rút nội khí quản sẽ diễn ra 1 tuần sau mổ. Sau 3 tháng nữa, hai bé sẽ tiếp tục được phẫu thuật tái tạo đường tiêu hóa, tiết niệu, khép lại khung chậu... Hiện giờ các bé được mở hậu môn tạm qua da.
Về quá trình hồi phục sau này của hai bé, bác sĩ Trương Quang Định cho biết, đó sẽ là một quá trình lâu dài. Trải qua cuộc mổ dài, các biến cố đều có thể xảy ra, do đó vấn đề hồi sức rất quan trọng. Một vấn đề quan trọng khác là trong tương lai dài hơn, Trúc Nhi và Diệu Nhi sẽ còn phải thực hiện thiên chức làm mẹ. Chính vì thế nên các bác sĩ sẽ tiếp tục theo dõi, điều trị cho hai bé đến khi 18 tuổi. Ngoài ra, các bé cũng còn quá trình tập vật lý trị liệu lâu dài.
Sưu tầm.
 

Đối tác