Video

Video

Nga nhận đơn hàng từ 20 nước mua 1 tỉ liều vaccine COVID-19
Ngày 11/8, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho hay, Bộ Y tế nước này đã phê chuẩn vaccine Covid-19 đầu tiên của thế giới, do Viện Gamaleya của Nga phát triển.
Nhà lãnh đạo nước Nga còn tiết lộ việc một cô con gái của ông đã tiêm loại vaccine này, sau đó cô bị sốt nhẹ sau mỗi liều tiêm, nhưng hiện thể trạng đã bình thường.
Tổng cộng đã có 20 nước từ Mỹ Latinh, Trung Đông, châu Á đã đặt hàng mua cả một tỉ liều vaccine Sputnik V – vaccine COVID-19 do Nga phát triển và vừa được Bộ Y tế nước này chứng nhận ngày 11-8, đài RT đưa tin.
Tốc độ phát triển vaccine Covid-19 cho thấy quyết tâm của Nga giành chiến thắng trong cuộc đua chế tạo vaccine hiệu quả trên toàn cầu nhưng cũng gây quan ngại rằng Nga có thể đặt danh tiếng quốc gia trước khoa học và an toàn.
Trước đó, Tổng thống Putin đã khẳng định, việc tiêm chủng ở Nga chỉ nên được thực hiện trên cơ sở tự nguyện, không ai bị ép buộc phải chấp nhận tiêm chủng.
Với hơn 700.000 ca tử vong do đại dịch và hơn 20 triệu ca nhiễm trên phạm vi quốc tế, cả hành tinh đang kêu gọi một giải pháp cho cuộc khủng hoảng COVID-19, vốn cũng đã tàn phá nền kinh tế toàn cầu.
Tờ Business Insider cũng lo ngại, theo các tiêu chuẩn truyền thống của thử nghiệm lâm sàng, thật không đúng khi vaccine vẫn chưa hoàn thành thử nghiệm giai đoạn 3, một bước quan trọng để đo lường hiệu quả của ứng viên trong một quần thể lớn và có thể phát hiện ra các tác dụng phụ hiếm gặp hơn. Giai đoạn 3 thường kiểm tra tính an toàn và hiệu quả của vaccine trên hàng nghìn người ở nhiều địa điểm.
Tờ này dẫn tweet của Florian Krammer, một nhà miễn dịch học tại Trường Y Icahn Mount Sinai viết: "Không chắc Nga đang làm gì, nhưng tôi chắc chắn sẽ không dùng một loại vaccine chưa được thử nghiệm ở giai đoạn 3. Không ai biết liệu nó có an toàn hay nó có hiệu quả hay không. Họ đang đặt các nhân viên y tế và người dân của họ vào nguy cơ". 
Vaccine Sputnik V hiện chưa được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chứng nhận. WHO cho biết “đang duy trì liên lạc chặt với nhà chức trách y tế Nga”. Theo người phát ngôn WHO Tarik Jasarevic, quá trình đánh giá bất kỳ vaccine nào cũng đòi hỏi “sự xem xét và đánh giá khắt khe toàn bộ các dữ liệu an toàn và hiệu quả”, mà WHO chưa thấy được điều này ở vaccine của Nga.
WHO đã thúc giục Nga tuân thủ các chuẩn mực để sản xuất một loại "vaccine an toàn và hiệu quả".
Theo WHO, để được chấp thuận, các ứng viên vaccine Covid-19 phải được xem xét dữ liệu an toàn nghiêm ngặt.
"Chúng tôi đang liên hệ chặt chẽ với các cơ quan y tế Nga và các cuộc thảo luận đang diễn ra", người phát ngôn của cơ quan y tế Liên hợp quốc Tarik Jasarevic nói với các phóng viên tại Geneva trong một cuộc họp báo trực tuyến. "Việc đánh giá sơ tuyển bất kỳ loại vaccine nào đều bao gồm việc xem xét và đánh giá nghiêm ngặt tất cả các dữ liệu về an toàn và hiệu quả được yêu cầu".
Tính đến cuối ngày 11/8/2020, nước Nga có tổng cộng hơn 898.000 người nhiễm COVID-19, trong đó hơn 703.000 trường hợp được chữa khỏi và hơn 15.000 ca tử vong.
Vaccine của Nga được kỳ vọng sẽ lưu hành rộng rãi từ đầu năm sau. Các nhân viên y tế tuyến đầu và những người dễ bị tổn thương về sức khoẻ sẽ được ưu tiên tiêm loại vaccine này trước.
Sưu tầm.
 

Đối tác