Video

Video

BIỂU TÌNH Ở MỸ: GIỌT NƯỚC TRÀN LY
Theo hãng tin Reuters, lệnh giới nghiêm đã không ngăn được người biểu tình đập bể cửa kính, đốt xe hơi, đối đầu với cảnh sát và lực lượng công lực. Cảnh sát đã sử dụng đạn cao su và hơi cay để giải tán đám đông tại các thành phố. Trong một số trường hợp, nhiều người qua đường và báo giới cũng đã bị trúng đạn. 
Để đối phó với làn sóng biểu tình bạo lực, ngày 31-5, lực lượng Vệ binh quốc gia đã được tăng cường tại nhiều thành phố lớn.
Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết khoảng 5.000 thành viên lực lượng Vệ binh quốc gia đã được triển khai tại 15 tiểu bang, gồm cả thủ đô Washington DC và khoảng 2.000 binh sĩ đang trong tình trạng sẵn sàng trực chiến.
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh hàng chục ngàn người đã tham gia các cuộc biểu tình tại nhiều thành phố trên khắp nước Mỹ như Seattle và New York.
Cho đến nay đã có trên 20 thành phố tại Mỹ áp đặt giới nghiêm ban đêm nhằm ngăn chặn bạo lực, phá hoại và cướp bóc tài sản do một số đối tượng quá khích gây ra.
Xuất hiện trước ống kính camera sau một tuần lễ biểu tình bạo lực lan khắp nước Mỹ, ứng viên tổng thống Joe Biden của Đảng Dân chủ hứa với cử tri sẽ "hình dung lại cuộc sống cho người da màu ở Mỹ" sau cái chết gây rúng động của cư dân George Floyd dưới tay cảnh sát Minneapolis.
"Không thể phủ nhận sự giận dữ, thất vọng và mệt mỏi", ông nói.
"Mệt mỏi" là từ chính xác, tờ New York Times bình luận. Đối với nhiều người Mỹ da màu, năm 2020 chưa kết thúc nhưng đã đủ kinh hoàng. Giữa lúc dịch COVID-19 tước đi mạng sống người da màu nhiều hơn bất cứ sắc tộc nào ở Mỹ, một loạt vụ giết người da màu những tháng gần đây ở bang Georgia, Kentucky và Minnesota đã gây rúng động dư luận.
George Floyd không chỉ là một cái chết, đây là giọt nước tràn ly đối với cộng đồng da màu ở Mỹ, mặc dù thời điểm dịch bệnh, kinh tế căng thẳng cũng góp phần vào sự bùng nổ. Người biểu tình nói họ yêu cầu không chỉ công lý cho George Floyd, mà phải là thay đổi trong hệ thống chính trị - kinh tế để ngăn chặn những cái chết oan ức khác.
Đó là một đòi hỏi lớn, vượt quá những gì cuộc bầu cử tháng 11 tới có thể mang lại, và người dân đi biểu tình hiểu rõ thực tế này.
"Tôi không nghĩ thay đổi sẽ xuất hiện theo cách đó. Họ kêu gọi chúng tôi đi bỏ phiếu từ bao lâu nay, và chúng tôi làm theo, nhưng nhìn thử những gì đang xảy ra xem" - cô Sierra Moore, 24 tuổi, cư dân thành phố Columbia, South Carolina, bày tỏ sự thất vọng.
Không khó để cô gái trẻ Sierra nhận ra, đi tham gia biểu tình, cầm trên tay tấm bảng "Không công lý, không có hòa bình", chính là điều ông bà cô - những người nhập cư da màu - đã làm ở Mỹ trong suốt một thế kỷ qua vì một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Phân biệt chủng tộc là vấn đề nhức nhối, nhưng cái gốc của nó là những bất bình đẳng mang tính hệ thống trong xã hội Mỹ. Nếu Đảng Dân chủ của ông Biden có may mắn giành lại được Nhà Trắng trong tháng 11 tới, họ cũng sẽ không giải quyết được cái gốc đó đơn giản bằng cách đưa nước Mỹ quay lại thời kỳ trước Donald Trump.
Các nhà kinh tế dự báo rằng dù cả nền kinh tế Mỹ xuống dốc do dịch bệnh, với hơn 40 triệu người thất nghiệp, người da màu là cộng đồng bị ảnh hưởng nặng nhất. Trong kịch bản xấu, tiền hỗ trợ từ liên bang sẽ cạn đi nhanh chóng, đẩy nhiều doanh nghiệp đến phá sản, còn tầng lớp đi thuê nhà có thể mất chỗ ở vì hết tiền trả.
Trong thời điểm khó khăn này, ông Biden không sai khi nói "linh hồn nước Mỹ đang bị đe dọa", nhưng sự cảm thông và lời hứa đôi khi cũng cần kèm theo hành động và những thay đổi thực sự. Người Mỹ da màu thì đã quá mệt mỏi.
Căng thẳng về vấn đề phân biệt chủng tộc đã bùng phát những ngày qua ở Mỹ sau vụ công dân da màu George Floyd, 46 tuổi, thiệt mạng trong lúc bị 4 cảnh sát bắt giữ. Viên cảnh sát da trắng gây ra cái chết của Floyd đã bị cáo buộc tội danh giết người cấp độ 3, trong khi những người còn lại bị sa thải. 
Các vụ biểu tình đông người, hầu hết không đeo khẩu trang cũng làm gia tăng quan ngại về việc tái bùng phát dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ở Mỹ, vốn đã khiến hơn 103.000 người Mỹ tử vong.
Làn sóng biểu tình cũng đã lan sang các nước Anh, Đức, Canada nhằm phản đối tình trạng phân biệt chủng tộc tại Mỹ.
Ứng viên tổng thống của Đảng Dân chủ Joe Biden ngày 31-5 ủng hộ người biểu tình phản đối sự tàn bạo của cảnh sát và không sử dụng bạo lực.
"Phản đối sự tàn bạo là điều đúng đắn và cần thiết nhưng phóng hỏa và phá hoại vô ích thì không", ông Biden viết trong tuyên bố của mình.
Ngày 31-5, kết quả cuộc thăm dò mới của Washington Post - ABC News cho thấy 53% cử tri được hỏi ủng hộ cựu phó tổng thống Mỹ Joe Biden, ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ, so với tỉ lệ 43% ủng hộ Tổng thống Donald Trump, chủ nhân hiện tại của Nhà Trắng.
Sưu tầm. 

Đối tác